Biến động của thế giới nhắc nhở Việt Nam cần làm chủ công nghệ

Biến động của thế giới nhắc nhở Việt Nam cần làm chủ công nghệ

Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Hoàng Phương cho biết việc làm chủ công nghệ giúp Việt Nam không bị động, vượt qua khó khăn.

“Những biến động địa chính trị toàn cầu thời gian qua là lời nhắc nhở không chỉ cho Việt Nam, mà các quốc gia trên thế giới, cần nghĩ lại, đánh giá lại, đặt lại vấn đề về tầm quan trọng của tự lực tự cường tự chủ của dân tộc”, Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương chia sẻ tại lễ trao giải thưởng Sao Khuê 2025, sáng 19/4 ở Hà Nội.

Trước sự hiện diện của gần 130 doanh nghiệp công nghệ số, Thứ trưởng đánh giá cao tầm quan trọng của lĩnh vực này và các doanh nghiệp, đặc biệt khi Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới với nền tảng phát triển khoa học kỹ thuật, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Tuy nhiên, ông nhắc đến các thách thức khách quan và chủ quan, đòi hỏi doanh nghiệp cần tiếp tục sáng tạo phát triển sản phẩm, dịch vụ vươn tầm thế giới.

Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Hoàng Phương phát biểu tại Lễ trao giải Sao Khuê 2025. Ảnh: Lưu Quý

Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Hoàng Phương phát biểu tại Lễ trao giải Sao Khuê 2025. Ảnh: Lưu Quý

Nhắc đến việc Mỹ đánh thuế cao với mặt hàng nhập khẩu, Thứ trưởng Phương cho rằng nếu doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam không làm chủ công nghệ, đặc biệt các công nghệ chiến lược, không chế tạo sản xuất được sản phẩm cốt lõi, thiết yếu, sẽ phải đổi mặt nhiều nguy cơ trong tương lai.

“Những thay đổi có thể diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Nếu không tự chủ, tự cường, sẽ gặp nhiều khó khăn”, ông nhấn mạnh. “Cần đánh giá lại tình hình thực tế, tập trung xây dựng, thúc đẩy, hình thành các doanh nghiệp mạnh mẽ, làm chủ công nghệ lõi, làm chủ chuỗi giá trị, không để phụ thuộc, bị động. Như thế rất cần quyết tâm, tư duy đổi mới sáng tạo, đặc biệt khát vọng và sự dấn thân của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam”.

Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ cũng gợi ý doanh nghiệp công nghệ số có thể biến những khó khăn trong bối cảnh hiện tại thành cơ hội, khi nhiều chính sách sắp ra đời để hỗ trợ cho ngành.

“Đảng, Chính phủ sẽ có chính sách hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp công nghệ số. Người dân sẽ ý thức lại việc sử dụng sản phẩm dịch vụ của Việt Nam”, ông nói, nhấn mạnh đây là cơ hội để công nghệ số chuyển mình, làm tiền đề cho sự phát triển thời gian tới.

Để hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số, thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số tinh thần nghị quyết 57, Bộ đang hoàn thiện để trình Chính phủ, Quốc hội thông qua hai luật gồm Luật Khoa học Công nghệ và Luật Công nghiệp Công nghệ số, dự kiến bấm nút thông qua trong tháng 5.

Theo Thứ trưởng, luật sẽ tạo môi trường thuận lợi nhất để nuôi dưỡng và phát triển doanh nghiệp, từng bước chuyển dịch từ lắp ráp gia công sang sáng tạo, thiết kế, tích hợp, làm chủ công nghệ lõi tại Việt Nam, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm thế giới, đủ sức cạnh tranh với doanh nghiệp toàn cầu.

Sao Khuê 2025 vinh danh 198 sản phẩm, dịch vụ

Sao Khuê là giải thường thường niên được Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam Vinasa khởi xướng năm 2003, vinh danh và hỗ trợ các doanh nghiệp trong công nghệ thông tin, công nghệ số

Trong lần thứ 22 tổ chức, ban tổ chức cho biết chương trình đạt kỷ lục về quy mô khi thu hút hơn 500 hồ sơ. 337 đề cử đạt điều kiện vào vòng trong, trước khi chọn ra 198 sản phẩm, dịch vụ, giải pháp số tiêu biểu từ 129 doanh nghiệp.

Tổng giám đốc FPT Nguyễn Văn Khoa phát biểu tại Lễ trao giải Sao Khuê 2025. Ảnh: Lưu Quý

Chủ tịch Vinasa Nguyễn Văn Khoa phát biểu tại Lễ trao giải Sao Khuê 2025. Ảnh: Lưu Quý

Năm nay, các giải thưởng được vinh danh gồm: 5 giải pháp chuyển đổi số chính phủ, chính quyền, khu vực công; 19 đề cử trong hạng mục cộng đồng, người dân; 34 đề cử thúc đẩy quản trị doanh nghiệp; 11 giải pháp chuyển đổi số lĩnh vực kinh tế – công nghiệp; 29 giải pháp số lĩnh vực thị trường – tiêu dùng; 26 nền tảng – hạ tầng công nghệ; 11 giải pháp đổi mới sáng tạo; 42 sản phẩm phần mềm, dịch vụ mới và 21 giải pháp tiên phong về dịch vụ số.

Theo đại diện Vinasa, các đề cử đạt giải thể hiện xu thế công nghệ của năm, trong đó các vấn đề nổi bật gồm: quản trị thông minh nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh khối doanh nghiệp; phát triển chính phủ, chính quyền số, cã hội số; và xu thế đầu tư mạnh mẽ cho AI và hạ tầng số.

Theo thống kê, 198 đề cử đoạt giải có tổng doanh thu 2024 gần 48.000 tỷ đồng, tương đương gần 2 tỷ USD, chiếm gần 20% doanh thu của toàn ngành phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam năm 2024. Ngoài ra, nhiều giải pháp về AI, blockchain và điện toán đám mây trong giải thưởng được đưa vào nhiều hợp đồng lớn tại các thị trường như Nhật Bản, châu Âu, và Bắc Mỹ.

“Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam không chỉ dừng ở thị trường nội địa mà còn mang trí tuệ Việt ra thế giới. Những thành tựu này không chỉ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế mà còn khẳng định vị thế của Việt Nam như một trung tâm cung cấp dịch vụ số, trung tâm đổi mới sáng tạo trong khu vực và trên toàn cầu”, ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc tập đoàn FPT, Chủ tịch Vinasa, khẳng định.

Theo ông Khoa, Nghị quyết 57 đang tạo ra động lực rất lớn “Tôi kêu gọi doanh nghiệp công nghệ nỗ lực sáng tạo hơn nữa, liên kết chặt chẽ hơn nữa để sẵn sàng giải những bài toán lớn của đất nước”, ông nói.

Danh hiệu Top 10 Sao Khuê 2025 được trao cho 9 giải pháp, dịch vụ:

STT Dịch vụ/Giải pháp Doanh nghiệp Lĩnh vực
1 Dịch vụ BPM NashTech Số hóa dữ liệu – quy trình (BPO)
2 FPT Camera Agent FPT Thiết bị thông minh
3 Ứng dụng GIMO GIMO Giải pháp thúc đẩy tiếp cận số
4 Infrastructure Managed Services FPT Quản trị hệ thống CNTT
5 iPOS FABi iPOS Dịch vụ chuyển đổi số
6 MBS Mobile App MBS Bảo hiểm/Chứng khoán/Đầu tư
7 MoMo M-Service Fintech
8 PREP PREP Giáo dục, đào tạo
9 VietinBank iPay Mobile VietinBank Ngân hàng số

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *